Vĩnh Phúc với Nhà Mạc
1.Về mặt địa lý
Vĩnh Phúc là vùng đất chuyển tiếp giữa miền núi, trung du và đồng bằng. Phía bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Nam giáp Thăng Long – Hà Nội. Vĩnh Phúc rất thuận lợi giao thông đường thủy với những dòng sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ,…Dân cư sớm hình thành những cộng đồng ở ven đồi và dọc theo các triền sông.
Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy nên khi trị vì ở Thăng Long, nhà Mạc luôn coi Vĩnh Phúc là hậu phương vững chắc. Khi thất thủ, rút lên Cao Bằng, nhà Mạc vẫn coi Vĩnh Phúc là địa bàn chiến lược quan trọng, tiến có thể đánh về Thăng Long, lui có thể rút về thành lũy ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Vì vậy Vĩnh Phúc chắc hẳn là vùng đất chứa đựng nhiều dấu tích của nhà Mạc và hậu duệ.
2.Về lịch sử - văn hóa.
Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Thời tiền sử, sơ sử có các di chỉ khảo cổ học điển hình là: gò Đồn, gò Hội, gò Sỏi, gò Đặng, đồng Ba Bậc, gò Trầm Dài, Đồng Xuân…Đặc biệt, khu di chỉ khảo cổ học ở gò Đậu ( Đồng Đậu) thuộc Yên Lạc, được phát hiện vào năm 1962, cho biết người Việt cổ đã cư trú trên đất này từ 1.500 năm trước công nguyên. Thời đại các vua Hùng nước Văn Lang, thì Vĩnh Phúc là một phần trọng yếu.
Vĩnh Phúc gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 -43 sau CN “ Bà Trưng quê ở Châu Phong”…Cái tên Châu Phong theo nhà sử học Đào Duy Anh chính là thuộc Vĩnh Phúc và Vĩnh Tường là trung tâm của Châu Phong.
Riêng thời Mạc, theo báo cáo của Đinh Khắc Thuân ( Viện Hán Nôm) và báo cáo của Lê Kim Thuyên ( Hội khoa học lịch sử Vĩnh Phúc), cả hai đều cho biết ở Vĩnh Phúc có 16 người đỗ Tiến sĩ, giữ nhiều quyền cao, chức trọng trong triều Mạc ( huyện Yên Lãng 5 người, huyện Yên Lạc 6 người, huyện Lập Thạch 5 người). Như vậy Vĩnh Phúc có những gắn bó chặt chẽ với nhà Mạc
Nguồn: Kỷ yếu hội thảo nhà Mạc ở Vĩnh Phúc
Viết bình luận