Xã Đại Hợp

Xã Đại Hợp

Số điện thoại: 3560294
Hộp thư cơ quan: xadaihop@haiphong.gov.vn
Đ/c Phạm Thị Thúy - Chủ tịch UBND xã
Đ/c Nguyễn Hồng Ban - Phó Chủ tịch UBND xã
Đ/c Hoàng Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã

1. Địa giới hành chính

Xã Đại Hợp nằm về phía Đông Nam huyện Kiến Thuỵ. Bắc giáp xã Tú Sơn; Đông giáp phường Bàng La thuộc quận Đồ Sơn; Tây giáp xã Đoàn Xá, phía Nam giáp cửa Văn Úc với chiều dài 4,2 km bờ biển. Từ trung tâm huyện lỵ về trung tâm xã theo đường 401, qua 403 dài 11 km.

Tổng diện tích tự nhiên: 1.097,78 ha. Đại Hợp có rừng ngập mặn sinh thái che phủ diện tích 450 ha.

Từ xa xưa vùng đất này có tên là Thiên Lộc. Tên Thiên Lộc đứng làm tên tổng, sau đổi thành tổng Đại Lộc. Tổng Đại Lộc gồm các xã Đoan Xá, Hoè Thị, Quần Mục và Tiểu Bàng. Vào năm 1890, Đoan Xá được tách ra thành xã riêng. Lưu truyền thời Lý Huệ Tông (1210-1224) ở xóm Hoè Thị đã có người đến sinh cơ lập nghiệp. Năm 1285 vua Trần Nhân Tông cho phép lập làng Cồn Mục. Cuối thế kỷ XVIII, dân cư phát triển, ngòi lạch bị lấp dần, tàu thuyền đi lại khó khăn, nhân dân di dời xuống phía Đông sát biển, giáp với Tiểu Bàng phát triển nghề cá và đổi tên làng thành Quần Mục. Triều Nguyễn, thời Gia Long cho lập Hương thôn, đặt tên làng Đông Hoa, đến đời vua Đồng Khánh làng đổi tên thành làng Đông Tác.

Tháng 11 năm 1945, Đại Lộc sáp nhập với Hoè Thị thành Đại Hoè; Đông Tác sáp nhập với Quần Mục đặt tên là Hợp Quần. Đến năm 1950, Đại Hoè và Hợp Quần sáp nhập lấy tên là Đại Hợp. Hiện nay xã Đại Hợp gồm 4 làng: Đại Lộc, Quần Mục, Đông Tác và Việt Tiến.

Theo thống kê ngày 1/4 năm 2009, dân số Đại Hợp  là 9.491 người, số hộ là 2675 hộ. Mật độ dân số trung bình trên 865 người/ km2. Số hộ làm nông nghiệp chiếm 69,5%, số hộ làm nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản 8,1%, còn lại hoạt động ở các ngành nghề khác. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 46% số dân. Định cư ở nước ngoài hơn 600 người.

Số đông dân Đại Hợp theo đạo Phật, một số hộ ở Đông Tác theo đạo Thiên Chúa.

2. Lịch sử, truyền thống

Theo sử sách lưu truyền, vùng đất này hình thành từ rất sớm, từ thời Lý Huệ Tông (1210-1224)  ở xóm Hoè Thị đã có người đến sinh cơ lập nghiệp.

Thế kỷ thứ XIII, vùng này là căn cứ hải quân khá mạnh của Nhà Trần Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), dân chúng trong vùng cùng thuỷ quân nhà Trần đánh tan tác đoàn thuyền chiến hơn 300 chiếc do tướng giặc Ô Mã Nhi chỉ huy vào ngày 08/01/1288 trên vùng cửa biển Đại Bàng (vùng biển Nam Đồ Sơn ngày nay).

Trong kháng chiến chống ách đô hộ của nhà Minh, nhân dân, trai tráng trong vùng tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Sư Cối và Đỗ Nguyên Thố (1409), nhà sư Phạm Ngọc (Đồ Sơn) (1491); tham gia cuộc khởi nghĩa của Quận Quỳnh, Quận Thuỵ chống lại quân triều đình vua Lê- chúa Trịnh thế kỷ XVII; tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu (1744-1754) lãnh đạo, giết chết Trịnh Bảng, làng Đông Tác còn là căn cứ nghĩa quân của Phan Bá Vành (1821-1827). Tham gia phong trào Mạc Thiên Binh cuối thế kỷ 19 có Bùi Đình Kích (làng Đông Tác), ông Khoá Lục (làng Đại Lộc). Hưởng ứng phong trào cảI cách hương thôn có cụ Cử Mai (Đại Lộc) đứng ra vận động nhân dân khai hoang lập ấp, cải cách hương thôn, mở mang trường học, chống bắt phu, bắt lính...  Các cuộc đấu tranh của nông dân Đại Hợp những năm 1925-1930, đã có tiếng vang lan rộng cả vùng.

Ngày 15/8/1945, chính quyền cách  mạng lâm thời địa phương được thành lập. Tháng 3/1946, Chi bộ Đại Hoè được thành lập gồm 4 đảng viên; ngày 2/7/1947, Chi bộ Hợp Quần cũng được thành lập gồm 5 đảng viên.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Đại Hợp dựa vào hệ thống hầm hào liên hoàn, phối hợp với các địa phương, chiến đấu kiên cường, tham gia các trận đánh diệt đồn Đông Tác, Phúc Xá, đồn Đồng Mô, bốt Tổng Dũng gây cho địch nhiều tổn thất; tham gia trận đánh tập kích sân bay Đồ Sơn (01/1954), sân bay Cát Bi (3/1954) thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Đại Hợp tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn vừa sản xuất vừa chiến đấu giỏi. Trung đội pháo 75 ly của dân quân Đại Hợp phối hợp với bộ đội pháo Trung đoàn 50, bắn cháy 2 tàu chiến địch, 2 tàu khu trục, trong đó có tàu khu trục Wosdell CLG -18. Đội công binh của xã đã dũng cảm rà quét phá nổ số bom địch rải xuống đồng lúa, khu vực nhà ở của nhân dân Quần Mục, Đông Tác.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân Đại Hợp đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghệp, dịch vụ. Nhiều năm liền Đại Hợp là xã có phong trào trồng cây mạnh nhất của Hải Phòng.

Đại Hợp  là địa phương được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: hai Huân chương Kháng chiến hạng Ba về thành tích kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã có 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hai Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba và hơn 500 cá nhân và tập thể được tặng thưởng huân, Huy chương Kháng chiến các loại; có 6 cán bộ tiền khởi nghĩa, 220 liệt sĩ trong đó gia đình ông Võ Đình Chi  có 4 con là liệt sĩ, 7 gia đình khác có 2 con là liệt sĩ; 69 thương binh, 35 bệnh binh.

3. Kinh tế

Kinh tế Đại Hợp hiện nay chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và khai thác đánh bắt thuỷ sản. Năm 2008, ngành khai thác đánh bắt cá chiếm tỷ trọng 43,5%; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 30,5% còn lại là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 26%;

 Đại Hợp đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế, lấy nghề đánh bắt cá biển là mũi nhọn làm bước đột phá.

Là vùng đất có độ chua mặn cao, diện tích sâu trũng chiếm tới 20 % chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2005 là năm có năng suất lúa cao nhất đạt bình quân 115 tạ/ha. Giá trị một ha canh tác hiện nay đạt 71 triệu đồng. Cây rau màu có các loại chủ yếu là lạc, khoai lang. Hình thức chăn nuôi gia đình là chủ yếu, kinh tế gia trại đang phát triển.

Nghề đánh bắt hải sản có từ  lâu đời, nay thực hiện chủ trương chung của Chíng phủ, Đại Hợp đầu tư đóng tàu thuyền lớn khai thác hải sản, đánh bắt xa bờ: đội tàu thuyền công suất lớn 49 chiếc, thuyền nan đánh bắt ven bờ 169 chiếc, mỗi năm đánh bắt được 1.800 tấn tôm, cá các loại, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho địa phương.

Nghề chính của nhân dân địa phương là làm ruộng, đánh bắt tôm cá biển, ngoài ra còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, uơm tơ dệt lụa. Lụa Đại Hợp nổi tiếng một thời nên có câu "Tơ tằm Thiên Lộc văn vi, Thuốc lào Tiên Lãng ai bì thơm ngon". Chủ trương khôi phục làng nghề trồng dâu, nuôi tằm của xã từng bước có chuyển biến tốt.

Đường giao thông nông thôn được trải nhựa có chiều dài: 5,5 km đạt 65%; bê tông ngõ xóm 12 km đạt 100%. Đội tàu thuyền có hơn 200 chiếc các loại. Cả xã có 21 xe ôtô vận tải, 15 ôtô phục vụ du lịch, dịch vụ.

Đại Hợp là một trong những xã người dân có mức sống vào loại cao của huyện. Năm 2008 thu nhập bình quân đầu người: 13 triệu VND, tăng 53,8% so với năm 2000 (chưa kể lượng kiều hối và thu nhập của người đi lao động xa).  Hộ có nhà kiên cố chiếm 35%, nhà xây mái ngói 65%. Hộ dùng nước hợp vệ sinh  85%; xe máy bình quân 3 người/xe. Hộ có ti vi  100%, điện thoại 48 máy/100 dân.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7% theo tiêu chí mới.

Sản phẩm đặc trưng của Đại Hợp là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như  mực, tôm, cua, sứa tiêu thụ trên thị trường Thành phố và xuất khẩu; các loại mắm tinh chế từ tôm, tép, cáy và cá biển. Mắm nước Đại Hợp được chế biến theo phương pháp thủ công gia truyền có vị ngọt tự nhiên, thơm, ngon nổi tiếng trong vùng.

4. Văn hoá - xã hội

  Văn hoá vật thể, phi vật thể khá phong phú. Ở Đại Lộc có miếu Đồng Chanh thờ Thành hoàng Đông HảI và đình Đông, đình Đoài (nhân dân vẫn gọi là đình Vàng). Đình Vàng là đình to nhất vùng được xây cất thời Hậu Lê, kiến trúc theo kiểu cung điện nhà vua có 5 cửa võng đục chạm kiểu "Tứ linh", có hai hàng cột trụ to một người ôm không hết, từ chân cột trở lên được chạm trổ rồng trong tư thế "thăng long". Tất cả được sơn son thếp vàng. Miếu Đoài thờ hai anh em tiến sĩ người Trung Quốc (Khuông và Minh). Các tác phẩm văn hoá còn lưu lại trên các bia: "Cối Sơn tự tạo bi ký" năm Vĩnh Tộ 4 thời Lê (1622), "Cối Sơn tự tạo bi" năm Đức Long 6 (1634), "Cối Sơn tạo bi ký" năm Dương Hoà (1640). Các đình, chùa ở Đại Lộc có nhiều sắc phong, song do thời gian không còn lưu giữ được.

 Đình và miếu ở Đông Tác thờ thành hoàng Hùng Cự Nghị Vệ Uý.

 Chùa ở Hoè Thị được xây từ thời Lý thờ Tả thị lang Bộ lại Nguyễn Công Thụy. Đình làng thờ 2 vị thành hoàng Bạch Dương và Diêm La công chúa.

 Ở Quần Mục, chùa Càn Thiên thờ các vị thành hoàng: Dương Thục Phi, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Trai, Phạm Tử Nghi.

Hàng năm vào dịp lễ tết các đình, chùa đều mở hội, dân làng tổ chức rước thành hoàng, hát đúm, thi dệt lụa. Hội đua thuyền ở làng Quần Mục thường tổ chức vào mồng 7 tháng Giêng hàng năm.

Ngày nay trong xây dựng đời sống văn hoá mới, những tập tục lạc hậu bị loại bỏ, phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Đại Hợp là địa phương có phong trào xây dựng đời sống văn hoá phát triển khá của huyện. Xã có 4 làng văn hoá được công nhận đạt Danh hiệu làng văn hoá cấp huyện, 02 làng văn hoá được công nhận cấp thành phố; 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Đại Hợp là vùng đất hiếu học, trong chế độ phong kiến, nhiều dòng họ có người đỗ đạt cao như họ Trần, họ Phùng. Cụ Trần Văn Mai (Cử Mai) đỗ cử nhân khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn, nhưng cụ không cộng tác với triều đình mà về quê mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Phát huy truyền thống hiếu học, dưới chế độ mới, xã Đại Hợp có nhiều người học cao, giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, nhà nước.

Xã hoàn thành xoá mù chữ năm 1958, phổ cập tiểu học năm 1990, phổ cập trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008

Theo số liệu thống kê năm 2008 số người có học vị tiến sĩ 7 thạc sĩ 15;  nhà giáo ưu tú 2; trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp: 307 người (thống kê cả người thoát ly).

 Trường Mần non và trường THCS đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Trường Tiểu học 14 năm liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp Thành phố.

Cuối triều Nguyễn có cụ Cử Mai (Trần Văn Mai) làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Dưới chế độ mới, Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân đạt được nhiều kết quả. Trạm y tế xã được đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện chuyên môn khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân. Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2005.

Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2008: 0,92%.

5. Định hướng phát triển

Với diện tích 450 ha rừng ngập mặn chắn sóng, 4,2 km bờ biển, là lợi thế để mở rộng quy mô, phát triển nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thuỷ sản và du lịch sinh thái rừng ngập mặn, nhà vườn, nghỉ dưỡng cuối tuần. Vì có lợi thế biển, Đại Hợp tích cực tăng đầu phương tiện đánh bắt cá xa bờ lấy ngành khai thác đánh bắt cá là mũi nhọn phát triển kinh tế.

Theo quy hoạch của thành phố, trong tương lai, trên địa bàn xã và khu vực sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai. Diện tích phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ bị thu hẹp dần, nên địa phương hướng vào phát triển chuyên canh cây rau màu sạch, cây vừng, cây lạc và chú trọng vào thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực. 

Viết bình luận