XÃ GIA BẰNG CƠ SỞ DỰ PHÒNG CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC VUA MẠC 1598 – 1677
DƯƠNG MẠC SẨY
Năm 1593, Đôn Hậu Vương Mạc Kính Cung được Đà Quốc Công Mạc Liễn cùng những người thân tín tôn lên làm vua ở Văn Lan – Lạng Sơn, lấy niên hiệu là Càn Thống. Ít lâu sau nhà vua lên chiếm cứ vùng đất châu Quảng Nguyên tức đất Cao Bằng ngày nay. Buổi đầu vua Kính Cung đóng đô tại thành Nà Lữ. Thành Nà Lữ là nơi đắc địa để giữ vùng đất giàu có phát triển nhất châu Quảng Nguyên là thung lũng lòng chảo Hòa An, đồng thời nhà vua cũng cho quân đóng để trấn trị các châu khác của đất Quảng Nguyên, kể cả các châu Thất Truyền thuộc trấn Lạng Sơn. Trấn giữ vùng đất Cao Bằng ngày nay, các vua Mạc đã đề ra nhiều chính sách nhằm đoàn kết các dân tộc, đoàn kết nhân dân và phát triển mọi mặt, giảm nhẹ thuế khóa, khoan sức dân để tập trung sức chống lại sự tiễu trừ liên miên của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh. Cùng việc đề ra thực thi các chính sách nhằm thu phục nhân tâm, các vua Mạc đã cho xây dựng căn cứ dự phòng ở các nơi có quân đồn trú, kể cả căn cứ dự phòng cho triều đình nhà Mạc, xã Gia Bằng thời ấy là căn cứ dự phòng chiến lược trọng yếu của nhà Mạc.
I- XÃ GIA BẰNG – NƠI HỘI TỤ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC VUA MẠC XÂY DỰNG CĂN CỨ CHIẾN LƯỢC DỰ PHÒNG
Xã Minh Tâm được thành lập sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gồm đất của hai xã Gia Bằng và Kỳ Chỉ. Gia Bằng từ xa xưa được gọi là động Long Hoa, còn dân địa phương cho tới tận ngày nay vẫn còn gọi vùng đất này là Lũng Vạ Lũng Trời. Xã Kỳ Chỉ xa xưa gọi là động Lân Chỉ. Xã Minh Tâm thuộc huyện Nguyên Bình với tổng diện tích 17,17km², dân số 500 người số liệu sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Hiện nay, tổng dân số toàn xã là 1.560 người số liệu điều tra 2009.
1.Vị trí thuận lợi
Xã Gia Bằng phía Đông giáp xã Kỳ Chỉ, phía Nam giáp xã Lang Môn, phía Bắc giáp xã Trương Lương, phía Tây giáp xã Linh Mai. Gia Bằng ở về phía Tây thành Nà Lữ, cách thành Nà Lữ 12km. Từ xã Gia Bằng ra vùng lòng chảo Hòa An nơi xa nhất mất năm giờ đi bộ sẽ đến xã Dân Chủ ở phía Đông Bắc, hoặc đến thị xã Cao Bằng ở phía Đông Nam. Gia Bằng vì vậy là cửa ngõ từ phía Tây của vùng lòng chảo Hòa An. Từ Gia Bằng đi bộ một ngày sẽ đến huyện lỵ Thông Nông và cũng thời gian ấy sẽ đến Kim Mã, Tam Lộng, Tĩnh Túc về phía Tây. Gia Bằng là cửa ngõ vào vùng có nhiều kim loại quý: Tam Kim, Tĩnh Túc. Đặt căn cứ dự phòng ở Gia Bằng là giữ vùng khoáng sản giàu có, giữ lấy nơi khai thác vàng bạc ở phía Tây.
Xã Gia Bằng thông với xã Kỳ Chỉ bởi cánh đồng nhỏ hẹp. Gia Bằng, Kỳ Chỉ đều có núi rừng bao bọc. Muốn sang các xã khác mọi người phải đi bộ theo đường rừng, qua đèo hoặc leo theo mép suối. Vì vậy, Gia Bằng là vùng sâu, kín đáo ít người qua lại. Giữa thành Nà Lữ và xã Gia Bằng là rừng núi hiểm trở, chủ yếu là núi đá. Nhà Mạc chọn Nà Lữ làm kinh đô và sau là đại đồn quan trọng bảo vệ Vương phủ ở Cao Bình thì vùng núi đá phía Tây thành Nà Lữ, xã Phúc Tăng là căn cứ tự nhiên quan trọng. Mỗi khi hữu sự, các vua Mạc liền cho rút vào vùng núi đá Phúc Tăng để bảo toàn lực lượng, đưa địch vào thế chiến đấu bất lợi. Gia Bằng, Kỳ Chỉ khi đó trở thành hậu phương trực tiếp sống còn quan trọng của khu căn cứ núi đá Phúc Tăng. Gia Bằng là căn cứ chiến lược kế tiếp của căn cứ quan trọng, căn cứ núi đá Phúc Tăng.
2.Địa hình thích hợp
a.Địa hình núi đá vôi
Mạch núi đá chạy theo hướng Đông Tây, bắt đầu từ xã Phúc Tăng – Hòa An đi qua xã Minh Tâm vào các xã phía Bắc huyện Nguyên Bình rồi đi vào huyện Bảo Lạc, có một nhánh chạy về Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn. Xã Gia Bằng núi đá chiếm khoảng tám phần mười phần trăm diện tích và núi mở rộng từ 3 đến 5km theo hướng Bắc Nam. Ở đây các ngọn núi đá đứng sát nhau lô nhô tạo ra nhiều đèo, nhiều khe hẻm, vực, đặc biệt là nhiều thung lũng kích cỡ khác nhau. Các thế núi dựng đứng hoặc sườn thoải độ dốc lớn và các đèo thấp rộng, hẹp hiểm trở đa dạng, nhiều hang động. Núi đá Gia Bằng có hai mươi mốt thung lũng lớn, diện tích từ 2.000m² đến 80.000m². Hầu hết các lũng mặt đất bằng phẳng, nhiều lũng có nước dùng. Các thung lũng nằm kề sát nhau, kín đáo thông lọt qua lại bởi các hẻm đèo. Trước khi nhà Mạc lập căn cứ, cả vùng núi đá còn cây rừng nguyên sinh, chỉ các thung lũng đã được khai phá, mặt đất các lũng đã lộ diện, cư dân tiến hành khai phá đất lũng theo tập quán du canh du cư. Đất lũng là đất công, phần nhiều bỏ hoang hóa, đấy chính là điều kiện thuận lợi để các vua Mạc xây dựng căn cứ chiến lược.
b.Địa hình đồng đất ruộng rẫy
Xã Gia Bằng đồng đất bé nhỏ, lượn quanh co theo chân các dãy núi. Tổng diện tích đất trồng 119ha. Đồng đất không bằng phẳng, cao ở chân núi, thấp dần về chân núi đá, Vì vậy, ruộng ở xã Gia Bằng là ruộng bậc thang. Nước sản xuất nhờ mấy con suối nhỏ chảy tử núi đất và trông cậy vào nước mưa. Trước ngày vua Mạc đặt làm hậu cứ, đất ở chân núi đá, ở vùng khô hạn, ở gò nổi cao đều là đất bỏ hoang 64ha. Chỉ có đất ruộng do người dân khai phá, tạo dựng là có chủ sở hữu 56ha. Đấy cũng là điều kiện thuận lợi để các vua Mạc đặt căn cứ chiến lược.
c.Địa hình núi đất
Phía Nam xã Gia Bằng là dỉa núi đất kéo dài từ xã Hoàng Tung, huyện Hòa An chạy vào phía Tây Nam huyện Nguyên Bình, xuống Ngân Sơn – Bắc Cạn. Từ núi đất Gia Bằng thẳng về phía Nam sẽ là núi đất trùng trùng điệp điệp kéo dài xuống huyện Thạch An, rồi xuống Thất Khê thuộc tỉnh Lạng Sơn. Phần ở xã Gia Bằng núi đất nhô cao, dân địa phương gọi là Khau Vạ núi trời. Núi Khau Vạ tạo ra đồng đất xã Gia Bằng thành một thung lũng khép kín bốn bề như thể biệt lập với các nơi khác. Cảnh trí ấy làm cho xã Gia Bằng đã hẻo lánh càng hẻo lánh thêm. Dân tình có câu:
Khay tu hăng lình gảng
Khay táng hăn lình căng
Dịch là:
Mở cửa trước thấy đàn bà khỉ nhẩy nhót
Mở cửa sau thấy vượn hót khỉ leo
Chính cái vùng đất khép kín, được núi non che chở tứ bề kín đáo mới là chỗ tiện lợi để các vua nhà Mạc chọn nơi đây làm hậu cứ chiến lược. Bởi vì, vua Mạc cần bảo toàn lực lượng, cần đưa địch vào thế hiểm để giành thắng lợi và cần nơi có đất hoang hóa để tăng gia sản xuất.
3.Dân tình ủng hộ
Với công cụ đồ đá tìm được, nhà khoa học khảo cổ Đào Văn Mùi đã xác định mảnh đất xã Gia Bằng cách đây 4000 năm đã có người đến ở. Xã hội phát triển, con người đã khai phá và ở mảnh đất Lũng Vạ đến ngày nay. Trước ngày các vua Mạc lập căn cứ tại xã Gia Bằng, người Tày đã đến định cư, lập bản ở phần đất thoải chân núi phía Bắc Khau Vạ. Họ kiến tạo đồng ruộng trồng lúa nước. Người dân Lũng Vạ ngày ấy sống tập trung tại ba bản: Thôm Phát, bản Nưa, bản Nà Ca. Ở các lũng cũng có ít cư dân của tộc người sống du canh, du cư lúc ở, lúc không.
Người Tày ở Gia Bằng phần đông từ đồng đất thung lũng Hòa An chuyển tới. Cũng có người từ phía Bắc thành phố Thái Nguyên lên đây từ thời vua Lý Anh Tông 1138-1175 như chi họ Dương. Bất kể từ đâu đến người Tày Lũng Vạ trong quá trình kiến tạo ruộng đồng, xây dựng cuộc sống đã tạo cho cộng đồng dân cư ở đây những truyền thống chung: Đoàn kết, chiến đấu dũng cảm bảo vệ quê hương bản làng. Họ cùng theo phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo của người Tày cổ như: Thờ trời, thờ đất, thờ tổ tiên. Hộ nào cũng làm nhà rộng bốn mái. Bàn thờ là trốn tôn nghiêm được đặt ở cao, chính giữa nhà. Người dân Lũng Vạ thời ấy kể cả người du canh, du cư họ đều là con dân nước Đại Việt. Có lẽ từ sau buổi giành được độc lập, các triều đại phong kiến Đại Việt đã đặt một đồn binh chỗ làng Đuôn Cáu ngày nay để giữ yên bình cho các xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Linh Mai. Vua Mạc Kính Cung lên trấn giữ ở Cao Bằng, định đô ở Nà Lữ cũng đã nhanh chóng cho quân đến đóng đồn Đuôn Cáu. Nhà vua quy định quan quân ai không biết tiếng Tày đều phải học để tự giao dịch với người dân địa phương. Nhà vua yêu cầu quan quân phải tôn trọng phong tục tập quán, cấm xâm phạm tài sản nhân dân. Mở chợ 5 ngày một phiên ở trước cửa Đuôn Cáu để nhân dân Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Linh Mai đem hàng hóa đến trao đổi. Nhà vua cho quân lính đem muối, giấy, đồ sắt bán cho nhân dân. Chỗ họp chợ ngày nay người dân Lũng Vạ gọi là Nà Thiêng Háng. Quân Mạc đến đây đóng đồn , người canh gác đồn thì ít, người tham gia sản xuất thì đông. Quân lính nhà Mạc sang sườn Nam núi Khau Vạ tức vùng Nà Bào ngày nay phát rẫy trồng lúa nương rất tốt, thu hoạch được nhiều. Về sau họ còn làm ruộng ở khu vực Nà Hò Bao, Gòi Nà Gà. Tại Lũng Vạ quân Mạc khai phá đất Lũng Chang để thả bò nên nhân dân ngày nay vẫn gọi đây là Giỏon Mò. Quân Mạc đóng ở vùng đất này không chỉ giữ được an ninh trật tự mà đã làm dấy lên phong trào sản xuất phát triển mạnh mẽ cả trồng trọt và chăn nuôi. Người dân địa phương được hưởng lợi từ những việc làm cụ thể ấy, giặc giã chạy trốn, thú dữ mất đi, chợ búa gần gũi lên việc gì người dân cũng sốt sắng giúp quan quân nhà Mạc. Đó cũng là điều kiện thuận lợi nữa để vua Mạc lập hậu cứ chiến lược tại Gia Bằng.
Xã Gia Bằng cách vương phủ nhà Mạc ở Cao Bình 14km, trong đó đường rừng 10km, khoảng cách ấy tiện lợi để vua Mạc sơ tán cơ quan dân sự của vương triều khi hữu sự . Gia Bằng là vùng đất núi non kế tiếp của khu căn cứ núi đá xã Phúc Tăng. Mỗi khi tình hình bất ổn chiến trận xảy ra, quân Mạc lấy vùng đá xã Phúc Tăng làm căn cứ thì Gia Bằng là hậu phương trực tiếp cung cấp binh lương cho căn cứ Phúc Tăng chiến đấu, chống đỡ bảo vệ cánh đồng lòng chảo Hòa An. Khi thuận lợi từ Gia Bằng có thể tấn công chiếm lại vùng lòng chảo Hòa An, chiếm lại vương phủ Cao Bình. Căn cứ Gia Bằng còn là cơ sở vững chắc bảo vệ miền Tây giàu có vàng bạc và các khoáng sản khác. Gia Bằng có núi non hiểm trở, thung lũng có nước, có lũng thông lọt nhau bởi các hẻm đèo, liên hệ dễ dàng, bổ cứu lẫn nhau tiện lợi. Đất đai còn hoang hóa nhiều, nhân dân địa phương một lòng ủng hộ nhà Mạc. Vậy Gia Bằng đáp ứng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện ấy khiến vua Mạc đã xây dựng căn cứ dự phòng tại Gia Bằng. Ngày này, các di tích của căn cứ đang còn tồn tại.
II.NHỮNG ĐỊA DANH DI TÍCH VÀ CÂU CHUYỆN NHÀ MẠC Ở XÃ GIA BẰNG “NỬA PHẦN PHÍA TÂY ĐẤT XÃ MINH TÂM”
- Thành Lũng Tàn với câu chuyện vua Mạc Kính Vũ:
Lũng Tàn ở phía Tây Bắc xã Gia Bằng nằm trong khối núi đá vây quanh khép kín, lòng lũng trũng sâu gần bằng mặt đất ngoài cánh đồng. Lũng Tàn bề mặt toàn đất, bằng phẳng hình ê líp dài theo hướng Bắc Nam, rộng theo chiều Đông Tây. Diện tích lũng 3.5 ha. Góc Đông Bắc Lũng Tàn có giếng nước tự nhiên không bao giờ cạn. Phía Nam là dãy núi Phia Phải thông lọt sang Lũng Chang bởi đèo Kẻo Sải “Đéo Bẫy Đá”. Phía Bắc nhiều dãy núi đá liên tiếp có khe lạch và nhiều lũng nhỏ kéo dài khoảng 3km thì đến rừng rậm núi đất xã Trương Lương. Từ chỗ giáp giới giữa núi đá và núi đất đến cánh đồng nhỏ hẹp xã Trương Lương đường rừng rậm dài khoảng 5km. Phía Đông là đèo đá thấp hiểm trở xuôi dần ra Lũng Cút. Từ Lũng Cút vượt một đèo thấp ngắn độ 200m là Lũng Làng to, rộng và bằng phẳng. Phía Tây nhiều núi đá, nhiều thung lũng cao dần về xã Bắc Hợp. Từ đây theo hướng Tây núi đá, thung lũng kéo dài liên tiếp qua các xã Thái Học, Triệu Nguyên huyện Nguyên Bình.
Thông thường chỉ có hai con đường tới được Lũng Tàn:
- Đường qua Lũng Làng, Lũng Cút vào phía Đông vượt đường thành đá, con đường này dài 2,5km khá hiểm trở.
- Đường từ Lũng Chang lên hiểm đèo Phia Phải “đèo Bẫy Đá” theo đường mòn xuống phía Nam Lũng Tàn. Con đường này hai bên sườn núi đều dốc 70º. Sườn phía Nam ít hiểm trở hơn song lại tiện cho việc đặt bẫy các dàn đá “đá trên đỉnh đèo lăn xuống rất ít vật cản”.
Trừ mặt Nam Phia Phải cả hai con đường chỉ tiện việc hành quân bộ theo hàng một. Với địa hình núi đá ngựa, voi không còn tác dụng trong chiến trận.
Thành Lũng Tàn có một đường thành đắp đất cắt ngang lũng theo chiều Đông Tây. Thành đất cao lừng lững như một đoạn đê sông Hồng dài 175m. Năm 1942, trong lần đi tìm đặt cơ quan, Bác Hồ đã trèo lên đường thành đất thăm ngắm công trình. Đến nay, do con người bớt đất gia tăng nên phần lớn đường thành đất đã bị thu nhỏ, có chỗ chỉ còn cao hơn 1m. Đường thành đất ngăn lũng làm hai phần: phần phía Bắc đường thành diện tích trên 2,3ha, phần phía Nam đường thành diện tích 1,2ha, phía Đông là đường thành bằng đá xếp cao thấp khác nhau, mặt trên đường thành đá rộng từ 1,5 đến 2m. Bức thành này bị người hôi của đào bới gần hết, chỉ còn lại một đoạn dài 8m ở phía Đông Bắc hình thế rõ ràng cao đến 5m, các phía khác do có vách núi đá dựng đứng hoặc hẻm đá chênh vênh hiểm trở nên không có đường thành.
Tương truyền vua Mạc Kính Vũ đã ở thành này điều khiển quân tướng chống nhau với quân Lê – Trịnh mùa đông năm 1667. Sau trận đánh ác liệt ở đèo Bẫy đá, vua Mạc Kính Vũ bị quân Lê – Trịnh đóng chốt giữ các cánh đồng thuộc xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Linh Mai thuộc huyện Nguyên Bình và các xã Trương Lương, Hồng Việt, Bình Long huyện Hòa An.
Cuộc vây kéo dài, vua Mạc Kính Vũ phải rút theo đường núi đá xã Bắc Hợp, vượt sông Tà Sa lên các núi đá xã Thái Học. Vua Mạc Kính Vũ đến Lũng Kim thuộc xã Thái Học, huyện Nguyên Bình thì gặp một trận mưa máu dữ dội, nhà vua tạm trú ở hang đá, tạnh mưa vua đi tiếp thì thấy mặt đất có nhiều vàng lộ ra, vua nhặt lấy làm tiền lộ phí ăn đường. Từ bấy đến nay lũng ấy dân gọi là Lũng Kim “Lũng Vàng”. Sau sự kiện trận mưa đón vua về trời người đời không thấy vua Mạc Kính Vũ xuất hiện ở đâu nữa và đồn rằng vua Mạc Kính Vũ đã bay về trời.
2.Khu quân sự Lũng Chang “diện tích 8ha
Lũng Chang nằm ở phía Nam Lũng Tàn. Đây là lũng mặt đất bằng phẳng, chiều dài khoảng 800m, chiều rộng độ 100m. Giữa lũng có một ngọn núi đá nhỏ nhô thẳng lên trời. Phía Bắc là dãy Phia Phải ngăn cách giữa Lũng Chang và lũng Tàn, phía Đông là cửa lũng thông với đồng đất xã Minh Tâm, phía Nam là núi đá ngăn cách với khu chăn nuôi Giỏon Mò, phía Tây nếu lần ra theo hẻm Tây Bắc sẽ xuống cánh đồng xã Linh Mai, nếu rẽ theo hẻm Đông Nam sẽ ra đồng đất Kéng Khon, đi nữa là đồn Đuôn Cáu. Lũng Chang có mỏ nước Bó Tốc Sỏi, hai bên Lũng Chang là núi đá dựng đứng hoặc thoai thoải, đây là chỗ bố trí quân lợi hại dễ thủ, dễ công, tiến thoái đều tiện lợi. Lũng Chang là cửa ngõ vào thành Lũng Tàn lại thông luôn đồng đất Gia Bằng nên nhà Mạc bố trí đông quân đảm bảo áng ngữ vững chắc con đường vào Lũng Tàn. Trên sườn phía Nam rặng Phia Phải, nhất là khu vực đèo Kéo Sải vua Mạc cho chuẩn bị nhiều dàn đá, bẫy đá, mỗi khi có động, quân túc trực cẩn thận canh gác đêm ngày.
3.Khu chăn nuôi Giỏon Mò 3ha
Khu Giỏon Mò ở phía Nam Lũng Chang, khu Giỏon Mò ba mặt là núi đá toàn là đất bằng, phía đông thông lên đồng đất xã Minh Tâm. Khu Giỏon Mò gần như có hai lũng: Giỏon Mò Cải ở phía Bắc và Giỏon Mò Ỷ ở phía Nam ngăn cách nhau bằng núi đá thấp. Giỏon Mò tiếng Tày có nghĩa là chỗ nhốt bò. Đồn rằng, nơi đây là chỗ nhốt bò ở căn cứ dự phòng của nhà Mạc. Từ ngày thành lập căn cứ, nhà Mạc đã cho mở trại chăn nuôi bò.
4. Khu Lũng Vuwrt “ Lũng Then”
Quãng giữa Lũng Chang ở sườn phía Bắc có một đèo thấp chỉ cao độ 20m vượt đèo sang phía Tây Bắc là Lũng Vửt “ Lũng Then”, diện tích độ 2000m2. Phía Tây và Bắc Lũng Vửt là núi cao và còn có nhiều lũng khác.
Các cụ kể lại rằng, mỗi khi nhà Mạc sơ tán vào đây,lũng này dành riêng cho quan quản nhạc cùng đội then đàn tính ở và phục vụ quan quân trong căn cứ. Vì vậy, nhân dân mới gọi lũng này là Lũng Vửt, tức là Lũng Then. Người dân mỗi khi đi qua lũng này vẫn như nghe có tiếng đàn tính văng vẳng trầm bổng đâu đây.
5. Khu tiếp nhận sơ tán trâu, bò.
Từ Lũng Vửt lên hẻm Đông Bắc sẽ gặp các lũng Uarrrt, lũng Vài “ lũng Trâu” , lũng Giểng, lũng Gủ. các lũng trên tổng diện tích cả phụ cận độ 1km2, có đường thông qua lại cho trâu, bò. Các lũng này là khu tiếp nhận trâu, bò từ khu Giỏon Mò chuyển lên khi có sự cố, đồng thời còn là kho dự trữ thực phẩm của nhà Mạc ở cứ dự phòng.
6. Đồn Đuôn Cáu và núi Phia Đén
Đồn Đuôn Cáu là vị trí làng Đuôn Cáu ngày nay. Đồn Đuôn Cáu ở phía Đông Nam Giỏon Mò Ỷ, là đồn cực Tây của căn cứ dự phòng. Ngay sát phía Tây đồn Đuôn Cáu là núi Phia Đén “ Núi Đèn”. Phía đông đồn Đuôn Cáu có đám ruộng diện tích trên 1000m2 có tên gọi Nà Thiêng Háng “ chỗ chợ họp” Đồn Đuôn Cáu là chỗ các triều đại phong kiến cho đóng quân canh phòng giữ gìn an ninh. Thời Mạc , vua Mạc cho lập đồn binh tại đây để cảnh giới sự bình yên của căn cứ từ điểm cực Tây. Trên núi Phia Đén bao giờ cũng có quan canh gác là điểm quan sát dễ dàng, đêm đến nếu có động tĩnh sẽ đốt đèn làm hiệu thông báo các nơi trong cứ dự phòng nên gọi là Phia Đén “ Núi Đèn”.
7. Ngôi đình đỉnh Phia Nà Giàng
Phia Nà Giàng là mỏm tận cùng phía Tây của Phia Chang. Mỏm núi này thấp, trên đỉnh có bãi đất bằng. Thời Mạc đỉnh núi này có ngôi đình “ tiếng Hán gọi là Sấn”. Cả mỏm núi Nà Giàng gọi là Đông Sấn. Núi thần không ai dám chặt phá. Trước năm 1945 có rất nhiều cây nghiến rất to nhưng nay chẳng còn.
Đồn rằng: ngôi đình này là chỗ hội họp giữa các thủ lĩnh người địa phương quanh vùng Tam Kim, Thể Dục, Minh Thanh, Lang Môn về đây hội họp với cấp chỉ huy khu hậu cứ. Những người thủ lĩnh địa phương về họp thì họ chỉ được đến ngôi đình này chứ không được đến các nơi khác. Dưới chân núi phía nam có nhà nghỉ, nay đã thành ruộng gọi là Nà Rườm “ ruộng nền nhà”.
8 Gòi Mạ Tè
Gòi Mà tè thuộc chân núi Bắc Khau Vạ, là vùng đất trên độ cao 100m từ chân núi ngược lên. Chỗ đất này phía Đông là Khuổi Luông, phía Tây là sườn núi đất bản Nưa. Gòi Mạ Tè thuộc vùng núi đất xã Gia Bằng, ngày ấy do yêu cầu cần có lương thực nên nhà Mạc cho phát triển vùng chân núi để tra lúa nương. Về sau quang đãng, quan quân nhà Mạc mới mang ngựa lên đây luyện tập nên gọi là Gòi Mạ Tè “ chỗ luyện tập ngựa”. Ngày nay, chỗ này đã bắt đầu thàng lang.
9. Khu quân sự Lũng Làng “ 6ha”.
Cách cửa Lũng Chang 1km về phía đông là đến cửa vào Lũng Làng. Cửa Lũng Làng là đèo đá thấp dài 150km hiểm trở, đá nô nhô, lại có vực nước, bùn lầy, cây cối rậm rạp. Năm 1979, bộ đội xây dựng căn cứ cho nổ mìn để ô tô vào lũng, hiện đường vào Lũng Làng đã dễ đi hơn.
Diện tích đất Lũng Làng khoảng 6ha, đất lũng bằng phẳng, phía Đông là mỏ nước dồi dào, phía Tây là Lũng Cút, phía Tây Bắc là Lũng Ỷ, phía Nam là Lũng Đẩy, các lũng rất gần nhau song lại rất kín đáo. Đứng ở giữa Lũng Làng khách rất khó nhận biết các lũng bên. Cả các lũng hợp lại nơi đây có thể chứa từ một vạn quân trở lên. Lũng Làng là nơi sơ tán của người dân Gia Bằng khi có giặc giã.
Các vua Mạc cho làm nhiều nhà dự phòng chứa quân và kho tàng ở đây. Vì vậy, người đời mới gọi nơi đây là Lũng Làng. Thời Mạc Lũng Làng là khu quân sự án ngữ con đường vào thành Lũng Tàn từ phía Đông. Tại Lũng Tàn cách đây 72 năm, bà Mạc Thị Ngọn đã nhặt được con dấu bằng đồng ở hốc đá, nhiều người xem đều khẳng định con dấu này là của nhà Mạc, hiện con dấu bà Hà Thị Nghe cất giữ.
10.Phia bản Zeng “núi có hang Vọng Quan Đài”:
Phía bản Zeng là ngọn núi ở phía tay phải cửa vào Lũng Làng. Phía bản Zeng là ngọn núi đá nhỏ, thấp. Mặt Bắc núi bản Zeng từ chân núi trở lên ở độ cao 10m có một hang quay cửa Bắc, hang này có thể chứa được 30 người sinh sống. Từ ngoài nhìn vào trong mé trái hang có một đường hầm tự nhiên đục thông lọt sang sườn Nam trên độ cao 20m. Do địa thế hiểm trở, từ chân núi phía Nam người thường không thể leo lên cửa hang. Người ngồi ở cửa hang quan sát được gần hết đồng đất xã Minh Tâm. Vì vậy, từ xa xưa nơi đây là vọng gác tự nhiên của dân cư Lũng Vạ mỗi khi phải sơ tán. Nơi đây biến thành trạm gác quan sát tiền tiêu của khu quân sự Lũng Làng. Thời Mạc hang bản Zeng còn có tên gọi là hang Vọng Quan Đài.
11.Tổng Ngần “đống bạc”
Tổng Ngần là vùng đất dẫy chân núi hang Lê Nin “nơi Bác Hồ mở lớp huấn luyện cho cán bộ cốt cán tỉnh Cao Bằng tháng 6 năm 1942”.
Tương truyền khi chuyển vào đây quan quân nhà Mạc tạm thời lấy chỗ đất Tổng Ngần ngày nay làm nơi chứa hàng hóa. Hàng hóa được quân khênh, ghánh, mang vác đến đây chất đống cao ngồn ngộn, trải khắp nương bãi. Về sau dân gọi nơi đây là Tổng Ngần “đống bạc”. Từ đây các hàng mới được phân về các cơ sở Lũng Tàn, Lũng Chang, Lũng Làng…
12.Răp Giải “chỗ đón, nghỉ” và Bó Cai Điềm
Răp Giải là dẻo đất thuộc dải đồng bằng hẹp, nơi tiếp giáp hai xã Gia Bằng và Kỳ Chỉ.
Tại đây thuộc phần đất xã Gia Bằng, nhà Mạc đóng một đồn binh: Quân Mạc đóng ở đây nhằm án ngữ căn cứ dự phòng từ phía Đông. Người phụ trách nổi danh nhà quản đội quân này là ông Cai Điềm, ông cho khơi một giếng nước để quân dùng. Nay giếng nước vẫn còn, dân trong vùng gọi giếng nước này là Bó Cai Điềm.
Chỗ giáp giới thuộc đất xã Kỳ Chỉ là Răp Giai ‘làng đón nghỉ’. Các cụ ngày trước kể lại: Dân phu đưa của cải và dẫn người từ Hòa An vào đến đây liền có quân đón và mời dân phu nghỉ. Vì vậy, chỗ đất này mới có tên Răp Giải, lâu ngày dân mới lái đi thành Giẳp Giải. Để giữ bí mật cơ sở dự phòng dân phu không được vào đất xã Gia Bằng. Chỗ eo đất hẹp này thời Mạc canh gác cẩn mật.
13. Nà Thổm Giảng và hang Thẳm Keo
Cách khu đất Tổng Ngần về phía Nam khoảng 700m sát chân núi là khu ruồng Nà Thổm Giảng ‘diện tích độ 1000m²’. Nà Thổm Giảng chính là ‘ao tắm voi’. Cách đấy có thoi đất nổi cao, thế đẹp, đời xưa truyền lại đây là chỗ của phò mã nhà Mạc, một vị tướng quản tượng binh. Chỗ ấy nay đã thành ruộng, dân gọi là Nà Tướng.
Theo mương nước Nà Thổm Giảng ngược hướng Nam sẽ đến Cốc Bó Kéo, mỏ nước chảy quanh năm, mùa đông nước ấm, mùa hè, mát lạnh. Mỏ nước này quan quân nhà Mạc dùng nước để tắm rửa. Trên Bó Kéo về phía Nam là hang Thẳm Keo chính là đài quan sát của quân Mạc phòng địch từ Khau Vạ tràn xuống đồng đất xã Gia Bằng.
Từ đó tới nay, mỗi lần giặc tới, hang Thẳm Keo lại đón người lên ở. Ngày nay hang đó còn, tĩnh mịch đón hút gió Nam.
14 – Chùa Lũng Vạ
Quan quân, cung tần mỹ nữ nhà Mạc là người miền xuôi có nhu cầu tâm linh khấn Phật. Hằng tuần, hằng tháng họ phải đi lễ chùa tự, thế nhưng ở đất Gia Bằng vốn rất hẻo lánh này lấy đâu ra chùa để cầu tự. Chính vì lẽ trên, vua Mạc Kính Cung đã cho thiết lập ngôi chùa ở đây gọi là chùa Lũng Vạ thuộc xã Gia Bằng. Chùa Lũng Vạ dựng ngay trên đỉnh núi Phia Ỷ. Phia Ỷ nằm ngay bên phải cửa ngõ Lũng Chang. Nó là ngọn núi đá thấp, nhỏ, xinh xắn, gọn gàng. Thời bấy giờ ngọn núi này chưa bị khai phá nên còn nhiều cây cối che chắn mát mẻ, chim chóc tụ hội. Đây là địa điểm đẹp, lại là trung tâm để hai đồn quân phía Đông và phía Tây, người từ khi quân sự Lũng Chang, Lũng Làng và cả thành Lũng Tàn đến đây đều tiện lợi. Nhà vua quyết định đặt ngôi chùa ngay trên đỉnh núi Phia Ỷ. Ngôi chùa có nhà sư coi giữ tụng kinh niệm phật, đón người hành lễ. Hằng năm, đến ngày mùng chín tháng Giêng Âm lịch nhà Mạc cho tổ chức hội chùa. Ngày ấy người dân sở tại cùng quan quân nhà Mạc kéo đến chân núi Phia Ỷ hội chùa Già trẻ náo nức đến xem biểu diễn đàn tính, hát then, hát lượn, đánh quay, đánh còn chơi. Ai đàn hát hay, đánh quay giỏi, đánh còn trúng đều được thưởng.
Sau năm 1677 vua Mạc Kính Vũ đi rồi, ngôi chùa chẳng còn ở trên đỉnh Phia Ỷ nữa, nhưng ngày hội chùa vẫn được tổ chức thường niên vào ngày mùng chín tháng Giêng Âm lịch tại trung tâm xã Gia Bằng. Ngày hội chùa đã trở thành một thứ di sản được người dân gìn giữ đến tận ngày nay.
Viết bình luận