Xã Hữu Bằng

Xã Hữu Bằng

Số điện thoại: 3881272
Hộp thư cơ quan: xahuubang@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Phan Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã

 

1. Địa giới hành chính

Xã Hữu Bằng nằm về phía Bắc huyện Kiến Thụy. Bắc giáp sông Đa Độ; Đông giáp sông Đa Độ và thị trấn Núi Đối;  Nam giáp xã Thụy Hương, xã Thanh Sơn; Tây giáp xã Thuận Thiên. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 405 dài 2 km.

Tổng diện tích tự nhiên của xã 665,56 ha.

Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, vùng đất này thuộc tổng Văn Hoà, gồm 6 xã: Văn Hoà (Văn Lan), Xuân Úc, Hoà Liễu (Hoà Nẻo), An Áo, Úc Gián và Kim Đới. Cuối năm 1945, xã Hữu Bằng được thành lập trên cơ sở các thôn Phương Đôi, Văn Cao, Văn Hoà, Kim Đới, Tam Kiệt. Năm 1956,  thôn Phương Đôi sáp nhập về xã Thụy Hương, xã Hữu Bằng còn 4 thôn Văn Cao, Văn Hoà, Kim Đới, Tam Kiệt và ổn định từ đó đến nay.

Theo số liệu thống kê ngày 1/4 năm 2009, số dân xã Hữu Bằng là 7895 người, 2164 hộ, 50 dòng họ. Mật độ dân số trung bình 1187 người/ km2. Số dân trong độ tuổi lao động chiếm 66,9% tổng số dân, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 71%; lao động trong các doanh nghiệp 23%, còn lại là lao động trong các ngành nghề khác.

Về tôn giáo, số đông dân Hữu Bằng theo đạo Phật. Một số ít hộ gia đình theo đạo Thiên Chúa (ở thôn Kim Đới 2)

2. Lịch sử - truyền thống

Từ giữa thế kỷ thứ VIII, vùng đất này đã có cộng đồng dân cư sinh sống, thanh niên trai tráng trong vùng đã theo Trương Nữu, người làng Du Lễ, tham gia cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (năm 766); tham dự trận đánh do tướng Vũ Hải chỉ huy chống quân  Mông – Nguyên lần 3 (1287-1288) ở của Đại Bàng (biển Nam Đồ Sơn ngày nay); tham gia các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (1744-1754), của Phan Bá Vành (1821-1827)... Hưởng ứng phong trào Mạc Thiên Binh (1897) ở tổng Văn Hoà có Lãnh binh Đặng Đình Tởn, Lãnh Yểm (Phạm Văn Yểm).

Tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng lâm thời xã ra đời, ngày 03/3/1947 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã được thành lập gồm 4 đảng viên, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến Hữu Bằng đã có người tham gia đội quân cảm tử đánh Pháp tại Nhà hát thành phố. Chín năm kháng chiến trường kỳ, quân dân địa phương đã kiên trì bám đất, bám làng, trực tiếp chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt 17 tên tề, nguỵ;  vận động hàng trăm lính nguỵ đảo ngũ. Tiêu biểu là trận đánh bốt Kim Đới 2 nằm trong khu vực nhà thờ Kim Đới. Đây là một trong những trận đánh  thu hồi chiến lợi phẩm lớn nhất trong toàn tỉnh.  Xã có Lực lượng vũ trang sớm phát triển mạnh, cơ sở trụ vững nhất, được Quân khu Tả ngạn tuyên dương.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Hữu Bằng kiên cường dũng cảm vừa sản xuất vừa chiến đấu, tích cực chi viện cho tiền tuyến. Xã có hơn 415 thanh niên lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường, 39 thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn.

Trong lao động sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, Hữu Bằng chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, là địa phương luôn dẫn đầu toàn huyện về năng suất lúa. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.

Quân và dân xã Hữu Bằng đã được nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý qua các thời kỳ: hai Huân chương Kháng chiến hạng Ba chống Pháp, chống Mỹ, Huân chương Lao động hạng Ba (1980), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2006); xã có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Vũ Thị Kẽ và Nguyễn Thị Hút), một Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (Đ/c Vũ Mạnh), 352 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại, 19 gia đình được Chính phủ tặng bằng khen, gần 100 gia đình được tặng bằng gia đình vẻ vang; cả xã có 140 liệt sĩ (trong đó 5 gia đình có 2 con liệt sĩ); 39 thương binh.

3. Kinh tế

Kinh tế Hữu Bằng hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Năm 2008, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 72,6 %, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ 27,4%. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm gần đây  đạt từ 10-11 %

Tỷ trọng trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp chiếm 55 %, diện tích đất nông nghiệp 357 ha. Do đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất, những năm gần đây, năng suất lúa không ngừng tăng. Năm 2004 là năm có năng suất cao nhất so 10 năm gần đây, đạt 130,11 tạ/ha, tăng 13,3% so với năm 2000. Giá trị đạt được trên một ha canh tác năm 2008 là 59 triệu VND. Số lượng trang trại 7, gia trại 14 bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi phát triển khá, năm 2008 đàn lợn tăng 32 % đàn gia cầm tăng 64 %, nuôi trồng thuỷ sản tăng 110% so với năm  2000.     

Từ xa xưa các làng mở mang phát triển các nghề phụ như đánh bắt tôm cá trên sông Đa Độ, làm nghề mộc (làng Kim Đới), nghề rèn ( làng Văn Hoà), đan lát rổ rá, thúng mủng ở Tam Kiệt....Năm 2008, trên địa bàn xã có trên 90 hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ sửa chữa nông cụ, xe máy, đồ dùng dân dụng

Hữu Bằng chưa có chợ trung tâm nhưng mạng lưới thương mại dịch vụ nằm trải khắp các thôn xóm, phần nào đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân. Tổng số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ 197 hộ, doanh thu đạt được năm 2008 tăng  140 % so với năm 2000.

Đường 5 cao tốc Hà Nội-Hải Phòng  đi qua địa bàn xã, dài 2,8 km. Đường 405 qua địa phận xã dài 2,6 km. Đường liên xã, liên thôn được nhựa hoá 100%. Bê tông ngõ xóm 4,5 km, đạt 87%. Cả xã có 10 ôtô vận tải; 6 ôtô phục vụ dịch vụ du lịch. Phương tiện vận chuyển bằng xe thô sơ và thuyền gỗ còn khá phổ biến.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2008: 11,5 triệu VND, (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa), tăng 157 % so với năm 2000.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn  10,4 % theo tiêu chí mới.

Số hộ có nhà mái bằng kiên cố  25 %, số hộ được dùng nước sạch, hợp vệ sinh 95%; xe máy 4,7 người/xe, tỷ lệ người dùng điện thoại 26 máy/100 hộ dân. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng. Cuộc vận động xoá đói giảm nghèo được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

4. Văn hoá - xã hội

Lĩnh vực văn hoá khá phong phú và đa dạng, có sắc thái riêng của vùng. Văn hoá tinh thần được biểu hiện qua hoạt động lễ hội đình chùa, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tập tục thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng, những người có công xây dựng với nước với quê hương xóm làng quê hương. Những công trình văn hoá vật thể như đình, chùa, miếu ở Hữu Bằng được xây dựng khá quy mô, bề thế, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Chùa Linh Ứng (thôn Kim Đới) được xây dựng thời Lê Vĩnh Thịnh thứ hai, có tam quan 2 tầng, cao 11 m, có gác chuông, có bát hương đồng đúc thời Bảo Đại cao 30 cm, đường kính 30 cm, trạm trổ hoa văn rất đẹp. Chùa Cao Thiên (thôn Văn Cao) 3 năm mở hội một lần. Chùa Phả Chiếu (thôn Văn Hoà) xây dựng từ thời Lê- Mạc, được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia (1996). Chùa Quỳnh Hoa (thônTam Kiệt) xây dựng thời Lê Vĩnh Thịnh (1679) hiện còn một quả chuông đồng nặng 200kg. Đình Văn Cao được công nhận Di tích Lịch sủ văn hoá cấp thành phố.

Hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, đình, chùa vào hội tế lễ sầm uất. Ngày 10 tháng 2 âm lịch các làng vào đại lễ cầu mong mưa thuận gió hoà, lúa xanh, khoai tốt, cầu cho quốc thái dân an. Tế lễ rước thần có nhạc bát âm, ở ngoài sân đình tổ chức các cuộc vui chơi, hát chèo, tuồng cổ, mở hội vật, đánh cờ.

Hương ước các làng ngày nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới lành mạnh. Thiết chế văn hoá đồng bộ. Đài truyền thanh, nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã hoạt động hiệu quả. Hữu Bằng là xã có thế mạnh về thể thao: môn vật tự do và bơi thuyền rồng.

Truyền thống học hành ở Hữu Bằng từ xưa đến nay rất được chú trọng, có nhiều người đỗ đạt cao, nhiều người trưởng thành trên các lĩnh vực công tác, giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, chính quyền thành phố và huyện. Xã hoàn thành xoá mù chữ năm 1959; phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991; phổ cập trung học cơ sở năm 2000; phổ cập trung học và nghề năm 2008. Trường mầm non được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1980), trường giữ vững danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Trường Tiểu học đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện, chuẩn Quốc gia giai đoạn I. Trường Trung học cơ sở đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện.

           Trạm y tế xã được thành lập năm 1959, từng bước phát triển về cơ sở vật chất, kỹ thuật phương tiện và chuyên môn, đảm bảo  việc khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2007.Nhiều năm không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

          Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2008: 0,87 %

          5. Định hướng phát triển

           Theo quy hoạch của huyện đến năm 2020, trên địa bàn xã sẽ hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần. Đó là cơ sở tiền đề định hướng phát triển cho địa phương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Hữu Bằng có nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Nông nghiệp hướng vào phát triển vùng lúa cao sản, cây rau màu sạch, và phát triển mô hình kinh tế trang trại.

Viết bình luận