Xã Tân Phong

XÃ TÂN PHONG

1. Địa giới hành chính.

Xã Tân Phong nằm về phía Đông Nam huyện Kiến Thụy; Bắc giáp xã Minh Tân và ph­ường Hoà Nghĩa (quận Dư­ơng Kinh); Đông giáp phư­ờng Hợp Đức và Minh Đức (quận Đồ Sơn); Tây giáp xã Ngũ Đoan; Nam giáp xã Tú Sơn và Đoàn Xá. Tổng diện tích đất tự nhiên: 680,56 ha. Từ trung tâm xã theo đ­ường 401 về đến trung tâm huyện lỵ là 5 km. Là địa ph­ương duy nhất trong toàn huyện còn tồn tại một hệ thống sông ngòi tự nhiên khá phong phú, với tổng chiều dài gần 10km, bao gồm: sông Đa Độ, sông Cốc, sông Sàng, sông He, sông Dáu, sông Đồng Tám, sông Đồng Ngựa và sông Đồng Bầu bao bọc xung quanh các làng trong xã.

Với thế đất hình “Rồng Vàng” huyền thoại, giao thông thuỷ thuận lợi, nên ngay từ thế kỷ thứ XIII đã có nhiều người Việt cổ và miền nam Trung Hoa về đây khai phá sú vẹt, cải tạo đất đai để định cư, lập ra 2 làng với tên gọi là Lai Trì và Rụ Dỵ (sau đổi tên thành ấp Dáu). Trước năm 1945, vùng đất này có tên là tổng Lão Phong, là một trong những tổng lớn của phủ Nghi Dư­ơng, bao gồm các làng: Lão Phong, Lão Phú, Quý Kim và Đức Hậu. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Tân Phong được thành lập gồm các thôn: Lão Phong, Lão Phú, Thái Lai, Kính Trực và Đoan Xá. Đến tháng 8/1948, thôn Đoan Xá tách ra thuộc về xã Đoàn Xá. Xã Tân Phong còn lại 4 thôn, sau đó thôn Lão Phong tách thành 2 thôn. Hiện nay xã Tân Phong có 5 thôn là: Lão Phong1, Lão Phong 2, Lão Phú, Thái Lai và Kính Trực. Theo số liệu thống kê ngày 01/4/2009, số dân xã Tân Phong là 7.015 người. Mật độ dân số trung bình 955 người/km2. Cả xã có 62 dòng họ và 1.945 hộ dân. Số ngư­ời trong độ tuổi lao động chiếm 44% tổng số dân, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 44,8%, lao động TTCN-dịch vụ-thương mại và các ngành nghề khác chiếm 55,2%.

Về tôn giáo: hiện tại Tân Phong có tổng số 2.171 người theo đạo, chiếm 31% dân số toàn xã; trong đó, thôn Lão Phú theo đạo Thiên chúa giáo toàn tòng với 1.250 người, còn lại 902 ngư­ời theo đạo Phật và 19 ng­ười theo đạo Tin lành.

2. Lịch sử, truyền thống

Nhiều trai tráng 2 làng Lai Trì và Rụ Dị tham gia đội thuỷ quân của tướng quân Vũ Hải đánh thắng giặc Mông - Nguyên trên cửa biển Đại Bàng (năm 1288); tham gia các cuộc khởi nghĩa của Đỗ Nguyên Thố, Nguyễn Sư Cối và nhà s­ư Phạm Ngọc chống lại quân xâm lược nhà Minh (thế kỷ XV). Đến thế kỉ thứ XVI, 2 làng tích cực ủng hộ Vương triều nhà Mạc chấn hư­ng đất nước, 13 người đã được phong tước Quận công.

Làng Thái Lai có cụ Vũ Đức Khôi đứng lên tập hợp nhân dân khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất, dẹp bọn giặc cỏ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, khi mất, cụ đ­ược vua Khải Định ban sắc phong là Thành hoàng làng. Cụ Trần Mai (Cử Mai, người làng Đại Lộc, xã Đại Hợp) đỗ cử nhân vào thời vua Duy Tân, chán cảnh nước mất, nhà tan, triều đình nhu nhược, ông đã bỏ quan trường về quê dạy học và tham gia tích cực vào phong trào yêu nư­ớc của cụ Phan Bội Châu, sau đó bỏ tiền mua ruộng đất lập nên làng Kính Trực.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Tân Phong tham gia tích cực vào phong trào Đông kinh nghĩa thục và cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tân Phong là địa chỉ đỏ tin cậy, là nơi che giấu và nuôi dưỡng cán bộ xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành uỷ Hải Phòng và Việt Minh tỉnh Kiến An về tuyên truyền giác ngộ, mở các lớp huấn luyện cán bộ và gây dựng cơ sở cách mạng; là nơi diễn ra sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện vào ngày 22 tháng 9 năm 1944 tại cánh Đầm Bầu, thôn Kính Trực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Tân Phong phát triển mạnh mẽ; bám sát Nghị quyết của xứ uỷ Bắc Kỳ (tháng 11/1944) “ Về đẩy mạnh cao trào cách mạng, tổ chức lực lượng và phát triển đấu tranh vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân ở khu vực Kiến An- Hải Phòng, trong đó lấy Kim Sơn làm trung tâm…”, địa phương đã “đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị” góp sức cùng với làng Kim Sơn xã Tân Trào khởi nghĩa giành chính quyền và kháng Nhật thắng lợi.

Ngày 22 và 23/8/1945 chính quyền cách mạng lâm thời ở các thôn Lão Phong, Lão Phú, Thái Lai và Kính Trực được thành lập. Ngày 24 tháng 4 năm 1946, Uỷ ban hành chính cách mạng xã Tân Phong ra đời. Ngày 20 tháng 6 năm 1946, Chi bộ Đảng Cộng sản xã Tân Phong được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng địa phư­ơng. Chín năm tr­ường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Tân Phong kiên cường chiến đấu chống giặc càn quét, xây dựng cơ sở; đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng quê hương. Tân Phong là địa bàn trực tiếp tham gia phục vụ hậu cần, điểm trú quân của bộ đội đánh sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954 thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Tân Phong vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngoan cường, phối hợp với các đơn vị bạn sẵn sàng đánh địch đổ bộ từ hướng biển, tham gia bắt sống giặc lái Mỹ, bảo vệ vững chắc quê hương. Đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam“thóc thừa cân, quân thừa người”, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới đất nư­ớc; nhân dân Tân Phong luôn chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy tiềm năng lợi thế của địa phư­ơng... đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, n­ước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ, quân và dân xã Tân Phong đã được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Ba (thời kỳ chống Pháp), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (về thành tích tuyển quân thời kỳ chống Mỹ), Huân chương Chiến công hạng Ba (về thành tích bắt sống phi công Mỹ), Huân chương Lao động hạng Ba (thời kỳ đổi mới 1998-2003), 2 Bằng khen có công với nước (về thành tích bảo vệ Xứ uỷ Bắc Kỳ và Mặt trận Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa và chống Pháp), 2 Kỷ niệm chương (về nuôi dấu cán bộ), 2 đồng tiền vàng của Mặt trận Việt Minh, 1145 Huân, Huy chư­ơng các loại, 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 15 gia đình được tặng Bằng có công với nước. Cả xã có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó Mẹ Đồng Thị Lan có 4 con là liệt sỹ chống Pháp, vinh dự được Bác Hồ tặng lẵng hoa nhân dịp Người về thăm Kiến An năm 1960; có 61 cán bộ lão thành cách mạng và 9 cán bộ tiền khởi nghĩa; 2.688 người tham gia quân đội, thanh niên xung phong, 160 liệt sỹ và 115 thương bệnh binh. Năm 2000, được Nhà n­ước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 2003, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới.

3. Kinh tế.

Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu. Do là vùng đất sâu trũng, chua mặn, nằm ở gần biển, trước đây hầu hết diện tích chỉ cấy được 1 vụ với những giống lúa truyền thống, năng suất bình quân chỉ đạt 30-40 kg/sào Bắc Bộ. Những năm gần đây, nhờ có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh…nên nông nghiệp đã có bước tăng trưởng khá. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại hình thành và phát triển mạnh, toàn xã có 103 trang trại và gia trại, tăng 13 lần so với năm 2000.

 Diện tích đất nông nghiệp hiện nay là 465 ha. Trong 5 năm qua: năng suất lúa bình quân đạt 115 tạ/ha, tăng 35% so với năm 2000; chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 70% và nuôi trồng thuỷ sản tăng 60% so với năm 2000.

Trên địa bàn hiện nay vẫn còn một số nghề truyền thống như: thêu ren, đan lát, mộc, nề, chài lưới… nh­ưng quy mô nhỏ lẻ không thành làng nghề. Đồng thời đã hình thành những ngành nghề mới: vận tải, cơ khí, sửa chữa nông cụ, xe máy, sản xuất đồ dân dụng và các cơ sở dịch vụ. Xã có 1.578 lao động (chiếm 75% số lao động toàn xã) làm việc trong các khu công nghiệp.

Đư­ờng 401 từ Thị trấn Núi Đối đến Đồ Sơn, đoạn qua xã dài 2km; đường 403 từ Đồng Nẻo (353) đến phà Dương áo (đi Tiên Lãng), đoạn qua xã dài 1,5 km. Đư­ờng phủ nhựa liên thôn 6km, đạt 70%, bê tông ngõ xóm 17 km, đạt 92%. Các phương tiện vận chuyển truyền thống dần được thay thế bằng xe tải nhỏ.

Trước kia xã không có chợ, từ trung tâm xã đến chợ đầu mối Đại Hợp gần 4 km, chợ Tắc Giang (thị trấn Núi Đối) 5 km. Do yêu cầu về giao thương trao đổi hàng hoá, năm 1987 chợ Tân Phong được xây dựng và đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân.

Sản phẩm đặc tr­ưng của xã Tân Phong: Rượu nếp cái hoa vàng, gạo Ri hương; các loại rau thơm (gia vị) ở Lão Phú, hành tỏi ở Lão Phong, cá giống Thái Lai, cá thịt và chuối quả Kính Trực, trứng vịt lộn ở xóm Tân Thành (Lão Phong 1). Có các món ăn truyền thống nổi tiếng như: vịt bó đất nướng, cá Chép hoá rồng nhả ngọc, cơm nếp hấp cá Rô, cơm niêu…

Thu nhập bình quân đầu ng­ười năm 2008: 10,9 triệu VND (ch­ưa tổng hợp nguồn thu của ng­ười đi lao động ở xa). Mức sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng lên.

Theo số liệu điều tra năm 2008: toàn xã có 22% tổng số hộ có nhà xây mái bằng kiên cố và 83% số hộ dùng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ ngư­ời dùng điện thoại 25 máy/100 dân; xe máy 3,5 ngư­ời/xe; tỷ lệ hộ có ti vi chiếm 98%. Xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo 9,8% theo tiêu chí mới.

4. Văn hoá - xã hội.

Văn hoá vật thể và phi vật thể khá phong phú. Chùa Hàm Long ở thôn Lão Phong được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 trên mảnh đất linh thiêng huyền thoại (ngay trong hàm Rồng), đã nhiều lần trùng tu tôn tạo; trong kháng chiến chống Pháp chùa là cơ sở tin cậy của Việt Minh. Đình Lão Phong thờ 3 vị Thành hoàng là: Nam Hải đại vương, Đông Hải đại vương và Tiết chế Linh ứng Đại vương, do tiêu thổ kháng chiến đến nay đình Lão Phong không còn nữa. Đình Thái Lai xây dựng vào đầu thế kỷ 20 thờ Thành hoàng làng là cụ Vũ Đức Khôi, đền của làng thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đình chùa của làng Lão Phú không còn, năm 1937, nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng, nhân dân theo đạo toàn tòng và trở thành họ giáo lớn nhất huyện. Làng Kính Trực lập miếu thờ cụ Cử Mai là Thành hoàng của làng. Nơi đây có khu di tích Đầm Bầu lưu giữ sự kiện lịch sử quan trọng thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện vào ngày 22 tháng 9 năm 1944.

Lễ hội trong các làng thường diễn ra vào dịp Tết nguyên đán. Đặc biệt là lễ hội chùa Hàm Long được tổ chức long trọng vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm, kéo dài từ 3-4 ngày để tạ ơn trời đất. Lễ hội có rước Rồng vàng, rước Thành hoàng làng cùng với các trò chơi dân gian như đánh vật, bắt vịt dưới ao và thi làm cỗ chay giữa các dòng họ. Cũng vào dịp này, làng Lão Phú tổ chức các trò chơi như: cầu thùm, cướp cờ, cướp chim, đua thuyền có hình cá chép giữa các dòng họ nay đã mai một.

H­ương ước các làng văn hoá nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới lành mạnh, tiến bộ. Đến nay cả 4 làng (thôn) đều xây dựng làng văn hoá; trong đó có làng văn hoá Lão Phú (công giáo toàn tòng) và làng văn hoá Thái Lai đạt danh hiệu cấp Thành phố. Các thiết chế văn hoá, thể thao như: nhà văn hoá, đài phát thanh, điểm b­ưu điện văn hoá, sân vận động, trung tâm văn hoá làng đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại, hiệu quả hoạt động tốt.

Tân Phong là địa phương có truyền thống hiếu học. Thuở mới lập làng đã có họ Đồng Xuân ở Trung Quốc vốn là họ Tư Thiên (tổ tiên xưa là Thiên Tư giám thuộc Hoàng tộc Trung Hoa) di cư về cùng sinh sống với cộng đồng làng, hoà nhập và mở mang tri thức. Thời kỳ nhà Mạc (1527-1592), làng có nhiều người có trình độ uyên bác, tham gia triều chính; trong đó 13 người được phong tước Quận công.

Phát huy truyền thống hiếu học, dư­ới chế độ mới sự nghiệp giáo dục của xã Tân Phong phát triển mạnh cả về quy mô, chất lư­ợng và hiệu quả. Xã xoá mù chữ năm 1958; hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1999, trung học cơ sở năm 2000 và phổ cập trung học và nghề năm 2008. Trường Tiểu học đạt chuẩn cấp Quốc gia, trường Mầm non và THCS đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện. Số ngư­ời có học vị Phó Giáo sư-tiến sỹ 1, Tiến sĩ 3, Thạc sỹ 25, Đại học và Cao đẳng 350 ng­ười (thống kê cả người thoát ly). Năm 2008, xã có 35 em thi đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng (cao nhất từ trước tới nay).

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được địa phương quan tâm chú trọng; duy trì và phát huy nghề thuốc gia truyền có từ lâu đời như: thuốc cam, thuốc võ, thuốc chữa sâu răng, chữa Rắn cắn...Đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Năm 2006 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế; đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh thông th­ường cho nhân dân địa phương.

5. Định h­ướng phát triển.

Tân Phong có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khá đồng bộ, lực lượng lao động trẻ dồi dào, có 2 đường 401 và 403 đi qua, có trên 10 km sông nhánh trên địa bàn và nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hoá truyền thống có giá trị. Theo quy hoạch xã Tân Phong sẽ là vùng chuyên sản xuất và cung cấp hàng hoá nông sản, thực phẩm sạch cho các khu công nghiệp, khu du lịch Đồ Sơn; phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hoá.

Trong những năm tới cơ cấu kinh tế, lao động địa ph­ương sẽ có biến động lớn và dịch chuyển theo hướng tiến bộ: giảm tỷ trọng nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch (ven đường 403); đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ.
                                                                      
                                                                                                          Nguồn: Kiến Thụy xưa và nay

 

 

Viết bình luận